Phỏng vấn xin việc – Google Translate đang tạm dịch cụm từ “job interview” là như vậy. Tuy nhiên góc độ cá nhân Thảo nhìn nhận trong công việc không ai xin xỏ ai cả. Mọi thứ đều có lợi ích cho cả đôi bên. Nên trong bài viết này Thảo vẫn dùng Phỏng vấn xin việc thay cho cụm từ tiếng Anh kia. Cho đến khi Thảo tìm thấy cách dịch này hay ho hơn nhé.
Bài viết này sẽ cho bạn một góc nhìn mới mẻ hơn về kinh nghiệm cho buổi phỏng vấn xin việc (job interview). Với góc nhìn từ một ứng viên, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
“Job interview” là một cuộc trao đổi thẳng thắn, win-win và có chút hack não nữa. Vì tại đó, ứng viên cần phải làm sao vừa thể hiện được sự thoải mái, tự tin, lôi cuốn; vừa khiến người phỏng vấn cảm giác bạn là người khiêm nhường, từ tốn.
Ngược lại, người phỏng vấn cũng cần phải vừa thân thiện, lại vừa khiến ứng viên “khao khát được làm việc” tại đây với một mức lương thỏa mãn cho cả hai bên. Thật khó nhỉ?
Nhưng không sao, bạn đã vượt qua được vòng CV (Curriculum vitae) nghĩa là cũng khá rồi đấy. Vòng phỏng vấn là một phần khó và phức tạp hơn một tí. Bạn cần phải chuẩn bị kỹ càng cho buổi trao đổi này, để chắc chắn mình không bị lúng túng trước mặt “người ấy” nha.
Bắt đầu thôi.
1,PHÂN TÍCH CỤ THỂ JOB ROLE
**Job Role: Vai trò cụ thể trong công việc.
Ví dụ: Bạn ứng tuyển vào vị trí Online Marketing. Và vai trò của bạn cụ thể là: lập kế hoạch và thực thi tất cả những công việc liên quan đến các kênh trực tuyến.
Việc này cực kỳ quan trọng, không phải với doanh nghiệp, mà là với chính bạn. Đôi khi có những việc bạn đã từng hoặc chưa từng làm. Nhưng dù là với vai trò gì, trách nhiệm của bạn là ghi nhớ (hoặc ghi chép) cụ thể để trao đổi trong buổi phỏng vấn xin việc nha.
Đối với những việc bạn chưa từng làm qua, bạn có kế hoạch gì trong tương lai về việc sẽ hoàn thiện nhóm kiến thức này hay không? Hãy thật sự đầu tư vào việc này.
Một doanh nghiệp cần nhìn thấy một tương lai cụ thể với bạn. Tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn có một nhân sự chủ động trong việc phát triển bản thân. Đừng bỏ lỡ cơ hội làm điều này và đừng ngại chia sẻ nó nhé.
2,NGHIÊN CỨU VỀ CÔNG TY
Hoặc hơn thế nữa, bạn có thể nghiên cứu về cả đối thủ của công ty. Thảo từng nghe câu “Kẻ thù của kẻ thù là bạn” (The enemy of my enemy is my friend). Trong một vài trường hợp nào đấy, nó có thể ứng dụng được một cách cụ thể, hiệu quả đấy.
Những nghiên cứu cơ bản bạn có thể cân nhắc:
- Nghiên cứu về việc hình thành công ty và các phòng ban cơ bản: Bạn hoàn toàn có thể đọc thông tin này trên website hoặc các Owned media của họ.
- Nghiên cứu về sản phẩm và khách hàng tiềm năng: Đừng ngại “giả vờ” như mình là một khách hàng. Hãy thử trải nghiệm Hành trình mua hàng (customer journey). Và biết đâu bạn có thể chủ động tiếp cận với người phỏng vấn bắt đầu bằng “Tôi đã thử mua hàng ở công ty mình đấy. Trải nghiệm hết sức tuyệt vời nhưng…” và dấu ba chấm đó là các giải pháp cải thiện, tùy vào việc bạn đang ứng tuyển vào vị trí nào.
- Nghiên cứu về thị trường của sản phẩm: Hãy dành thời gian để đọc các report trong ngành, những thông số từ năm ngoái và dự kiến của năm nay. Nó sẽ có ích, một thời điểm nào đấy.
- Và rất nhiều thứ khác nữa, miễn là bạn tự tin có đầy đủ material để đi vào buổi phỏng vấn.
Sự chuẩn bị này sẽ giúp bạn không bị lúng túng. Cũng giống như bước chân vào cuộc hẹn hò đầu tiên. Việc có nhiều thông tin và sẵn sàng cho những cuộc trò chuyện dài luôn giúp chúng ta đi được nửa chặng đường thành công.
3, CHUẨN BỊ CHO BẢN THÂN
Thảo đã từng xây dựng một kế hoạch kinh doanh mẫu để đến một buổi trao đổi phỏng vấn. Kết quả cực kỳ mỹ mãn.
Vì lúc đó Thảo đã xoay ngược tình thế. Thay vì mình là người “đi phỏng vấn”, ngồi đấy để trả lời những câu hỏi do bên kia đặt ra. Thảo tự lead được không gian và năng lượng của buổi phỏng vấn.
– Thật thú vị khi gặp một ứng viên như thế. Anh có cảm giác mình đang bị thuyết phục như một buổi ký kết làm ăn với đối tác. Chứ không phải một buổi phỏng vấn với những lời hứa hẹn nhàm chán.
Người phỏng vấn Thảo lúc đấy đã chia sẻ như vậy.
Một doanh nghiệp muốn làm việc với một nhân sự có cùng tương lai, chí hướng và dự định với họ. Hãy trình bày chính xác những gì bạn có thể làm tại đây và khiến họ khao khát mình.
Hãy đầu tư nhé. Vì nó thực sự có lợi cho bạn. Dĩ nhiên, việc này đòi hỏi thời gian đầu tư và công sức của bạn rất nhiều. Hãy chọn lọc công ty thật kỹ và xác định nơi nào sẽ xứng đáng với sự đầu tư này.
Bạn còn cần phải xác định rằng họ sẽ ghi nhớ gì về mình sau buổi phỏng vấn này. Có thể là “Một người vui tính, hòa đồng yêu âm nhạc”. Hay “Một người ham mê công việc và có phần hơi chi tiết, cầu toàn”.
Hoặc cụ thể hơn, bạn có thể list ra những thành tích của bản thân đạt được trong quá khứ và remind trong buổi này. Đừng dùng những câu như “Tôi có kinh nghiệm 15 năm trong ngành này”, thật sự không giúp ích đâu. Hãy thay thế nó bằng câu “Tôi đã cùng đội ngũ cũ của tôi, chinh phục KPIs gấp 4 lần so với tháng trước bằng một kế hoạch Digital cụ thể”.
Tất cả mọi người đều có khả năng làm tốt việc gì đó, nhưng ít ai có thể học cách nói ra việc đấy một cách minh bạch, rõ ràng và hấp dẫn. Hãy học kỹ năng đó, ít nhất là cho chính mình.
Chuẩn bị cho mình một bộ quần áo sạch sẽ, tinh tươm. Ghi nhớ: Khởi hành sớm hơn thời gian dự định 20p.
Ví dụ: Bạn có buổi phỏng vấn xin việc lúc 9g. Bạn dự kiến với quãng đường 3km này bạn sẽ đi trong vòng 15p. Nghĩa là bạn dự kiến sẽ khởi hành lúc 8g40 để đến đúng giờ hẹn gặp. Tuy nhiên, hãy lưu ý những rủi ro xảy ra không đáng có như kẹt xe, lạc đường, anh Grab đi chậm.. và nhiều thứ khác. Hãy dự phòng 20p. Và luôn ghi nhớ “Đến sớm 10p nghĩa là đến đúng giờ” nhé.
Chưa hết.
Bạn còn phải “phỏng vấn thử” nữa đấy. Hãy thử ngồi trao đổi với bạn bè, người thân và thử xem mình giao tiếp, trình bày có trau chuốt hay không nhé. Thậm chí bạn có thể thử đứng trước gương và nói chuyện với chính mình. Đừng ngại.
Việc này tuy có hơi mất thời gian ban đầu thật.
Nhưng đừng lo lắng, sau 5-7 cuộc phỏng vấn xin việc thất bại (và rút ra được bài học) thì bạn không cần làm thế nữa đâu.
4, CHUẨN BỊ TRƯỚC NHỮNG CÂU TRẢ LỜI
Vào trong buổi phỏng vấn xin việc, chắc chắn bạn sẽ luôn gặp một vài dạng câu hỏi thông dụng. Nhưng đừng lo, bạn có thể chuẩn bị trước câu trả lời cho nó.
Đầu tiên phải học kỹ năng lắng nghe câu hỏi và xác định xem mục tiêu sau cùng của câu hỏi này là gì. Bạn biết đấy, có những câu hỏi không đơn thuần chỉ để nhận câu trả lời.
Thảo sẽ list ra những câu hỏi thường gặp và bạn cùng tham khảo nhé.
Đầu tiên: (Không thể nào không có) “Hãy giới thiệu một chút về bản thân mình nhé”.
Đây là câu hỏi mà ngày xưa Thảo vẫn thắc mắc “Ủa người ta không đọc CV của mình hay sao?”. Ôi, thật ngô nghê và thiển cận.
Huấn luyện viên nghề nghiệp Muse và người sáng lập CareerSchooled Al Dea cho biết: “Depending on what you say it’s going to help them figure out the next question”.
Tạm dịch: “Những gì bạn nói sẽ giúp tôi tìm ra câu hỏi tiếp theo”.
Điều này là sao nhỉ?
Đầu tiên, bạn phải hiểu lý do vì sao câu hỏi này được đặt ra. Hiểu được việc này là chìa khóa giúp bạn có thể thoải mái định hướng cho cuộc trao đổi này.
Câu hỏi này thường mang mục đích PHÁ BĂNG (icebreaker) giúp ứng viên thoải mái khi trả lời một câu hỏi, mà ở đó, thông tin là những điều vốn họ đã biết sẵn. Việc của bạn là khiến người phỏng vấn có thật nhiều những ấn tượng ban đầu thú vị. Không cần quá tốt đẹp hay đặt nặng vấn đề thành tích đâu. Ngay thời điểm này, đừng khoe khoang quá nhiều.
Ngay lúc này, hãy ghi nhớ công thức bí mật của Thảo. 😀
- Tôi từng..
- Tôi đang..
- Tôi sẽ..
Ví dụ nhé:
- Em từng hoàn thành bằng Cử nhân Quan hệ công chúng và truyền thông tại trường Đại học Văn Lang. Em cũng từng đến tham gia đợt tuyển thực tập sinh của công ty mình vào năm 4 Đại học.
- Hiện nay em đang tìm kiếm một cơ hội mới mẻ, nơi có thể cho phép em ứng dụng những kiến thức về Gamification mà em đang nghiên cứu. Em tin rằng, nó sẽ có ích cho hiệu quả kinh doanh của công ty.
- 02 năm nữa em đặt mục tiêu sẽ hoàn thành bằng Thạc Sỹ và đi vào con đường giảng dạy, nên những kinh nghiệm và kiến thức mà em có được khi làm việc ở công ty sẽ là một kho tàng thú vị, mà em chắc chắn các bạn sinh viên trong tương lai của em rất muốn lắng nghe.
Dĩ nhiên còn rất nhiều những cách thú vị khác để bắt đầu, bạn có thể tham khảo:
- Công việc gần đây nhất của tôi là… Hiện nay để phù hợp hơn với sự phát triển của bản thân và định hướng trong tương lai, tôi quyết định ứng tuyển vào vị trí XYZ vì những lý do sau.
- (hoặc đi từ sở thích cá nhân – nhưng lưu ý đây là sở thích có liên quan đến công việc nhé) Tôi là một người rất yêu âm nhạc, và tôi tin rằng đam mê này của tôi sẽ giúp tôi có nhiều động lực hơn trong công việc sắp đến. (Ngữ cảnh là bạn đang ứng tuyển vào vị trí Quản lý talent âm nhạc)
Và đừng quên:
- Bạn cần có hiểu biết về đối tượng phỏng vấn xin việc ngày hôm nay
- Điều chỉnh câu trả lời của bạn cho phù hợp với vai trò ứng tuyển và công việc sắp tới
- Đây là ấn tượng đầu tiên của bạn với người phỏng vấn và nó cực kỳ quan trọng
Câu hỏi thứ 2:“Lý do bạn thích làm việc tại công ty này?”
Okay lại là một câu hỏi có vẻ thách thức đối với một số bạn đây. Cá nhân Thảo cũng từng gặp nhiều khó khăn khi phải trả lời câu hỏi này. Đây là một chút kinh nghiệm.
Đầu tiên, hãy bỏ qua những kỹ năng, thành tích và mong muốn cá nhân, vì đây là thời điểm phù hợp để bạn bắt đầu nói về sự liên quan giữa bạn và công ty này.
Dựa vào những tìm hiểu của bản thân, hãy chọn và nói ra điều “đặc biệt nào đó” mà bạn cảm thấy bị thuyết phục. Một cách thẳng thắn, minh bạch và rõ ràng.
Đừng trả lời những câu hỏi chung chung như kiểu:
– Em thích môi trường làm việc thân thiện và hòa đồng ở đây.
Fail ngay.
Bạn đã làm việc hoặc có một cơ hội nào để biết là họ có thực sự thân thiện và hòa đồng đâu? Hãy bắt đầu bằng cách khác.
Thảo đã từng trả lời câu này hỏi này với đại ý như sau:
“Em thích làm việc tại đây vì em đã từng có cơ hội hợp tác với bộ phận Truyền thông. Các anh chị có brief cho agency rất rõ ràng, minh bạch và có tính chất cầu thị.
Ngoài ra em là người đề cao môi trường làm việc, nhìn qua thì thấy ở đây nhân viên được có một chỗ ngồi làm việc đủ rộng rãi, riêng tư và đầy đủ cơ sở vật chất.
Cuối cùng em thích làm việc ở đây vì công ty đang đầu tư kinh doanh một ngành nghề mà bản thân em đang muốn được học thêm trong tương lai.”
Và dĩ nhiên câu trả lời này làm hài lòng người phỏng vấn rồi.
Thử phân tích câu trả lời của Thảo nhé:
- Tìm sự liên kết mà mình có thể có được – một cách rất cá nhân theo nhiều ngữ cảnh khác nhau.
Quan trọng nhất: đừng nói dối.
Nếu bạn không như Thảo, chưa từng hợp tác, có thể tìm kiếm bằng cách khác, ví dụ:
– Em đã từng có bạn làm việc ở đây và phản hồi rất tốt
– Em nhìn thấy thông tin tuyển dụng của mình trên các website, mô tả công việc rất rõ ràng và minh bạch
– Em rất thích website của công ty mình, các thông tin cung cấp đầy đủ cho khách hàng. Ngoài ra phần nội dung liên quan về việc chăm sóc đời sống cho nhân sự và CSR cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Khiến em có cảm giác công ty thực sự quan tâm đến chi tiết, chân thành. - Nói rõ về sự phù hợp trong định hướng tương lai của cả 2:
Việc này Thảo đã nói rõ ở phần đầu tiên của bài viết. Bạn kéo lên lại để xem nhé. Hãy chia sẻ thật chân thành, cụ thể nhé.
Câu hỏi thứ 3:“Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”
Thẳng thắn mà nói, Thảo không thích câu hỏi này. Và bản thân Thảo cũng chưa bao giờ phỏng vấn ứng viên bằng câu hỏi này trong buổi phỏng vấn xin việc.
Tuy nhiên rõ ràng là rất nhiều công ty làm vậy. Hóa ra đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến nhất thế giới.
Theo một góc độ tích cực, mặc dù câu hỏi này khá là kỳ lạ, nhưng đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời bạn show-off bản thân đấy.
Lúc này là thời điểm phù hợp cho phép bạn nói về các kỹ năng của mình, sự phù hợp của bạn với văn hóa công ty, những thành tựu bạn đã từng đạt được. Và những hiệu quả trong tương lai mà bạn có thể mang lại cho công ty.
Tuyệt vời mà phải không? Và đây là kinh nghiệm nhé.
Đầu tiên hãy nói về lợi ích của công ty khi làm việc cùng bạn. Bạn có nghe về câu chuyện “Khi bán máy khoan, đừng nói về máy khoan, hãy nói về cái lỗ” chưa?
Nghe có vẻ hơi văn vở, nhưng thực tế đúng là vậy đó. Bạn sở hữu kỹ năng gì, kinh nghiệm ra sao, mọi thứ không thể nào “chất lượng” bằng việc bạn có thể làm gì cho công ty một cách thực tế được.
Hãy tìm cách bán mình một cách khôn khéo hơn, bằng việc tìm ra nỗi đau, trăn trở của họ. Và giải pháp bạn đề xuất cho họ. Hãy hứa hẹn (trong khả năng của mình) rằng bạn sẽ giải quyết việc đấy.
Chẳng ai chê một chén cơm đầy ắp ngon lành khi đang đói bụng cả.
Câu hỏi thứ 4:“Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”
Ngay tại đây, nếu bạn quá trung thực sẽ có khả năng cơ hội tốt vụt mất. Còn nếu bạn không trung thực, thì chẳng có sau đó gì nữa cả. Không trung thực là tự đào hố chôn chính mình rồi.
Vẫn quay lại việc đầu tiên chúng ta cần phải phân tích khi nhận được câu hỏi: Họ đặt câu hỏi này ra để làm gì?
Thứ nhất, nhà tuyển dụng cần biết bạn có phải là một người tự biết quan sát và nhận thức đúng đắn về bản thân mình hay không. Tiếp đó, họ cần phải đảm bảo rằng ứng viên này có đầy đủ động lực và kế hoạch để cải thiện vấn đề “điểm yếu” mà ứng viên đang có.
Nếu điểm yếu này bạn đã từng có và từng cải thiện được nó trong quá khứ, hãy trình bày nó để củng cố thêm niềm tin cho người nghe.
Và rất nhiều những câu hỏi, thách thức nữa nhưng Thảo sẽ dành một bài viết khác để nói sâu hơn.
5, CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT NHƯNG CỰC KỲ QUAN TRỌNG
- Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và cách bạn lắng nghe cũng chinh phục người phỏng vấn đấy. Học cách trở nên gần gũi bằng những hành động gần giống họ nhé.
- Sử dụng màu quần áo nhạt. Các tone pastel sẽ giúp bạn trông có vẻ trẻ trung, gần gũi và hòa đồng hơn đấy. Màu đen tuy basic, dễ phối đồ nhưng sẽ dễ có cảm giác rằng bạn đang cố ý tạo quyền lực ngay buổi đầu gặp mặt. Thảo có đọc được quyển sách này và cảm thấy rất thú vị. Mọi người tham khảo: “Liệu pháp tâm lý: Ứng dụng màu sắc thay đổi cuộc sống“. Bạn có thể thử tham khảo nhé.
- Lưu ý về các thói quen như ra vào đóng cửa, đẩy bàn ghế về lại chỗ cũ sau khi đứng dậy ra về. Tuy cực kỳ nhỏ nhặt thôi nhưng đấy là thói quen tốt cho chính bạn.
- Mùi hương trên cơ thể: Thời tiết hè Sài Gòn trưa nóng và chiều mưa, dù là dạng thời tiết nào cũng rất dễ tạo ra những “mùi hương” không cần thiết. Hãy lưu ý về việc này. Mùi hương luôn là thứ gắn kết tâm trí con người với sự việc đang xảy ra. Hãy sử dụng một vài mùi hương “nhân tạo” phù hợp. Một chút nước hoa dạng sáp khô (Thảo khá thích mùi hoa sen) sẽ giúp ích cho bạn lúc này đấy.
Lời tạm kết.
Ở bất kỳ đâu trên thế giới này, việc hợp tác để làm việc, một buổi gặp gỡ, một buổi phỏng vấn xin việc.. miễn là trong ngữ cảnh công việc thì những kinh nghiệm trên đều phù hợp để bạn có thể ứng dụng thử.
Hãy linh hoạt và quan sát nhiều hơn. Và bất kỳ những câu hỏi nào thêm về chuyện tìm việc – kỹ năng cho buổi phỏng vấn, bạn đều có thể liên hệ với Thảo nhé.
Cảm ơn và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau của Thảo nha.
____
Nguồn tham khảo: