Thứ Năm, Tháng Mười Hai 7, 2023

[Thuật ngữ marketing] Persona là gì? 09 câu hỏi giúp bạn bắt đầu xây dựng Persona.

Persona hay đơn giản và thân thuộc hơn: Chân dung khách hàng; là một trong những thuật ngữ làm đau đầu các bạn marketer mới vào nghề. Hmmm hoặc lâu năm cũng có chút ít. Vì persona (chân dung khách hàng) xoay quanh nhiều về con người, thói quen, tâm lý, hành trình của riêng họ, nên nhìn chung luôn có những tỉ lệ sai số nhất định. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về persona và danh sách 09 câu hỏi giúp bạn bắt đầu xây dựng Persona nhé.

Persona là gì?

Đầu tiên, hãy tìm hiểu kỹ và rõ về định nghĩa.

A persona (plural personae or personas), depending on the context, can refer to either the public image of one’s personality, or the social role that one adopts, or a fictional character.[1] The word derives from Latin, where it originally referred to a theatrical mask.[2] On the social web, users develop virtual personas as online identities. In fan fiction and in online stories, the personas may especially reflect the authors’ self-insertion.

(Trích dẫn từ Wikipedia)

Tạm dịch:

Một cá tính (số nhiều hoặc cá tính riêng), tùy thuộc vào ngữ cảnh, đề cập đến hình ảnh công khai về tính cách của một người. Hoặc vai trò xã hội mà một người được nhận. Hoặ có thể là một nhân vật hư cấu.

[1] Từ này bắt nguồn từ tiếng Latinh, dùng để chỉ mặt nạ sân khấu.

[2] Trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng phát triển ‘nhân cách ảo’ làm danh tính trực tuyến. Trong tiểu thuyết của người hâm mộ tự viết và trong các câu chuyện trực tuyến, các nhân vật có thể đặc biệt phản ánh sự lồng ghép nhân cách, tính cách của tác giả.

Hiểu nôm na: Trong ngữ cảnh marketing, persona là chân dung khách hàng tiềm năng của một thương hiệu. Chúng ta cần phải define (định nghĩa, làm rõ) được persona để tạo ra hoặc phân phối sản phẩm cho phù hợp.

Một vài thuật ngữ thường dùng kèm khác: user persona, customer persona, buyer persona.

Một ví dụ về persona. (Nguồn: Composely)

Không biết và sử dụng persona có tác hại gì?

Thảo thường hơi ngại viết về ‘lợi ích của điều gì đó khi bạn làm gì đó’. Vì nhìn chung, quanh đây, ai cũng viết về việc đó cả.

Dĩ nhiên khi bạn sử dụng persona thì sẽ có lợi ích rồi. Nhưng nếu bạn không sử dụng persona trong quá trình xây dựng công ty, xây dựng chiến lược marketing thì có chết không?

KHÔNG. Chẳng ai chết vì không làm thứ mình không biết cả.

Persona giúp bạn làm rõ hơn những người mà bạn sẽ đối diện. Đứng trước họ, bạn phải làm cho sản phẩm của bạn không chỉ nổi bật, mà còn phải trở nên cần thiết, cấp thiết..

Nó chẳng khác gì chuyện bạn xác định người bạn đời của riêng mình ấy. Thực tế chẳng ai làm rõ được hoàn toàn đâu, nhưng con người vẫn cứ yêu và lấy nhau. Sinh con đẻ cái mà sống thôi.

Nhưng nếu bạn biết rõ điểm yếu của mình là gì, nhu cầu và mong muốn tương lai của bạn ra sao. Và bạn tìm được một ai đó chấp nhận cùng mình đi hết quãng đường còn lại của cuộc đời.

Chẳng phải quá tuyệt vời hay sao?

Okay, vậy bây giờ chúng ta hãy list ra một vài những tác hại khi chúng ta không biết đến và không sử dụng persona trong công việc marketing của mình nhé.

1. Phân phối truyền thông đến sai đối tượng tiềm năng

Chúng ta không thể bán bỉm sữa cho một cô bé vừa ăn sinh nhật 14 tuổi tuần trước

Bạn có gặp trường hợp này bao giờ không: Bạn bắt gặp một quảng cáo một sản phẩm mà nhìn sơ qua đã chẳng thấy bạn và sản phẩm đó có liên quan gì đến nhau.

Season 16 Internet GIF by The Simpsons
Chúng ta nhìn thấy quảng cáo quá nhiều mỗi ngày.

Năm 2007, công ty nghiên cứu thị trường Yankelovich ước tính rằng trung bình một người tại Mỹ xem tới gần 5.000 quảng cáo mỗi ngày. Và sau khi khảo sát 4.110 người, một nửa trong số họ nói rằng hiện trạng quảng cáo hiện tại đang “ngoài tầm kiểm soát”.

Bài viết này cũng dự đoán, năm 2021 khoảng 6.000 đến 10.000 quảng cáo được người dùng nhìn thấy mỗi ngày.

Tuy nhiên, trong số những quảng cáo trên Social Media họ nhìn thấy, chỉ 44% người dùng nhận thấy quảng cáo không liên quan đến mong muốn và nhu cầu của họ. Đối với những người từ 35 tuổi trở lên, con số này lên đến 51%.

Tại sao lại có vấn đề này xảy ra? Okay đúng là vậy đấy, vì bạn không sử dụng persona.

Chúng ta luôn có nhiều lý do để chạy sai target audience mà đáng ra chúng ta sẽ chạy đúng nếu chúng ta giải quyết được 04 lý do nghe có vẻ rất ngu ngốc sau đây.

Lý do đầu tiên: Thương hiệu thường mong muốn chạy làm sao để “càng nhiều người biết đến thương hiệu càng tốt”. Đây là một suy nghĩ sẽ khiến bạn cạn túi nhanh. Hãy thay đổi.

Hướng giải quyết: Hãy thử nghiệm A/B testing. Bắt đầu bằng những nhóm khách hàng nhỏ. Sau đó nhân bản quảng cáo và đo lường cụ thể.

Lý do thứ hai: Quá tự tin vào sản phẩm của mình. Người người cần tôi, nhà nhà cần tôi. Ai cũng cần tôi và có thể sử dụng sản phẩm của tôi. Persona để làm gì chứ?

Hướng giải quyết: Bạn chẳng cần làm truyền thông nữa, chỉ cần ngồi yên, khách hàng sẽ tự đến. Ngành nghề có thể ứng dụng hướng giải quyết này: xăng, dầu, điện, nước.

Lý do thứ ba: “Tôi chưa biết ai sẽ cần sản phẩm của tôi cả nên tôi muốn test”.

Hướng giải quyết: Khi chúng ta phát triển và tạo ra sản phẩm, chắc chắn bạn đã hướng đến một ai đó rồi. Hãy test nhưng đối với nhóm nhỏ thị trường, chứ không phải toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Lý do cuối cùng: “Persona thật khó sử dụng và phiền toái”.

Hướng giải quyết: Làm đúng luôn khó. Chỉ có làm sai và dễ dãi với chính mình thì mới đơn giản mà thôi.

2. Tốn nhiều chi phí cho những việc không cần thiết

Quảng cáo trả phí là một ví dụ.

Chúng ta có thể cân nhắc, sử dụng persona và test từng nhóm thị trường nhỏ. Với ngân sách quảng cáo tăng dần.

Và đặc biệt, không phải lúc nào quảng cáo trả phí cũng tốt cả đâu. Khi chúng ta không quảng cáo trả phí mà doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng xấu đến doanh thu.. E rằng bạn đang làm sai cách rồi đấy.

Persona giúp bạn hiểu rõ từng nhóm đối tượng khách hàng riêng biệt, khác nhau. Mỗi nhóm đối tượng có những pain point (nỗi đau) riêng mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết được.

Ví dụ: Bạn đang kinh doanh sản phẩm cơm chay giao đóng hộp tại nhà. Chúng ta có thể chia nhỏ nhóm đối tượng khách hàng của bạn ra làm 3 persona như ở đây. Từ việc hiểu họ, chúng ta sẽ đưa ra những nội dung giúp họ hiểu ngược lại chúng ta. Rằng chúng ta đang cung cấp một giải pháp cho vấn đề họ gặp phải.

(Dĩ nhiên việc này phải dựa trên những tính năng, lợi ích của sản phẩm thực có. Không thể nào “treo đầu dê, bán thịt chó” được đâu)

  1. Nhóm đối tượng khách hàng văn phòng: Họ cần tính tiện lợi. Hãy ghi nhớ keyword gắn liền với nhóm này: NHANH – GỌN – LẸ. Nỗi đau của họ là những buổi trưa nắng nóng phải chạy xe ngoài đường để ăn cơm. Nỗi đau của họ là những bất tiện khi ở văn phòng không có chén bát. Nỗi đau của họ là phải có những
  2. Nhóm đối tượng khách hàng đang work from home: Họ cần những bữa ăn ngon và cảm giác vui vẻ. Có thể nhóm những khách hàng đang work from home cũng có những trăn trở riêng. Như việc ở nhà quá nhiều – cũng là một vấn đề nan giải đấy. Đối với nhóm này, hãy sử dụng văn phong tươi tỉnh, hoạt bát, vui vẻ. Chia sẻ nhiều câu chuyện giải trí thú vị, những bài tập thể dục hoặc những khóa học tại nhà..
  3. Nhóm đối tượng ăn chay vì vấn đề dinh dưỡng: Họ cần chuyên gia. Những nhóm đối tượng này có khi còn hiểu biết về dinh dưỡng nhiều hơn cả bạn. Hãy cho họ một điểm tựa về niềm tin. Những bữa ăn với sự cân đối về mặt dinh dưỡng, có một chuyên gia dinh dưỡng để tin tưởng vào.. những thứ đó sẽ giúp họ gắn kết với bạn lâu dài hơn.

Bạn thấy đấy. Thực tế mỗi sản phẩm chúng ta xây dựng ra, có khả năng phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Dĩ nhiên trừ những nhóm sản phẩm đặc thù quá ngách. Còn lại, nếu biết cách phân tích, chúng ta sẽ được nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh thú vị. Và dĩ nhiên là hiệu quả nữa.

3. Thiếu hiểu biết về khách hàng dễ dẫn đến thiếu hiểu biết về chính sản phẩm của mình

Thật ra, có nhiều công ty chết đi vì không hiểu được sản phẩm của mình. Họ biết sản phẩm của chính mình có những tính năng thú vị. Nhưng thật buồn, những tính năng đó không được thị trường đón nhận.

Chúng ta hay lẩn quẩn với việc làm sao để tìm thấy khách hàng cho sản phẩm của mình. Nhưng chúng ta quên rằng, con người là thứ nên đặt làm trọng tâm. Và thứ thay đổi được chính là sản phẩm của chúng ta.

Nếu chúng ta cứ bán mãi một sản phẩm nhưng thị trường không đón nhận, đến lúc chúng ta cũng phải chấp nhận rằng chúng ta đang cung cấp một sản phẩm mà khách hàng thực sự không cần.

Vì vậy, persona là thứ giúp chúng ta có thể hiểu được khách hàng đang cần gì, thị trường đang thiếu thốn điều gì. Để từ đó chúng ta có thể cung cấp một sản phẩm, dịch vụ cụ thể, phù hợp với nhu cầu đó.

seth-godin-quote
Một trích dẫn cực kỳ thấm thía từ Seth Godin.

Khi chúng ta không thể thay đổi được sa mạc, hãy tự thân biến mình thành xương rồng.

Nên bắt đầu từ đâu?

Chúng ta có nhiều công cụ để hỗ trợ việc bạn xây dựng một persona tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đừng quá bị phụ thuộc vào nó. Hãy đọc thêm nội dung Thảo viết tại đây để bạn có thể tìm hiểu mindset – skillset – toolset và chọn ra con đường nào tốt nhất cho mình.

Hãy bắt đầu từ việc phân tích thử bản thân mình, nếu chúng ta là khách hàng, liệu chúng ta sẽ mua hàng từ thương hiệu này chứ?

Thảo sẽ có một bài viết hướng dẫn cụ thể hơn cho bạn theo dạng step-by-step. Tuy nhiên, bạn cần phải là người bắt đầu làm những việc cơ bản trước.

Và đây là list 09 câu hỏi bạn cần phải làm rõ, khi bắt tay vào xây dựng persona. Thảo hy vọng những câu hỏi này phần nào đó giúp được cho bạn trong thời điểm đầu tiên làm việc này.

01. Họ là ai?

Đây là câu hỏi cơ bản nhất mà bạn phải trả lời được. Đơn giản, nó là:

  • Nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, vị trí địa lý
  • Trình độ học vấn
  • Tình trạng hôn nhân
  • ..v..v..

02. Công việc của họ là gì?

Việc này quan trọng lắm nhé.

Những dữ liệu như chức danh của họ, quy mô công ty, ngành họ đang theo đuổi và trách nhiệm công việc của họ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, tâm tư tình cảm. Và dĩ nhiên rồi: cả chuyện mua hàng nữa.

03. Một ngày của họ ở đời thực (offline) ra sao?

Tại sao chúng ta lại phải làm điều này, thật ngớ ngẩn nhỉ?

Nhưng không sao. Lúc bắt đầu, Thảo cũng thấy thắc mắc vô cùng. Tại sao mình phải làm việc này nhỉ? Nhưng rồi Thảo chợt nhận ra, chúng ta đang muốn tìm hiểu về họ – khách hàng. Những người mà nếu như chúng ta bỏ qua một khoảnh khắc đời thường nào đó của họ, thì không khác gì chúng ta đang đưa khách hàng đó đến với đối thủ của mình.

Hãy mô tả thật chi tiết phần này nhé.

04. Một ngày của họ khi online ra sao?

Trong thời đại ngày nay, chúng ta có vẻ dễ quan sát một ai đó khi chúng ta được kết nối trực tuyến với họ.

Dưới đây là một vài con số, bạn đừng bất ngờ:

  • Một người dùng trung bình dành 2 giờ 24 phút mỗi ngày trên mạng xã hội vào năm 2020.
  • 50,1% thời gian khi sử dụng thiết bị di động được sử dụng các ứng dụng mạng xã hội
  • Facebook là phổ biến nhất, mọi người tiêu tốn trung bình 2 giờ 24 phút mỗi ngày.
  • Youtube chiếm trung bình 40 phút mỗi ngày.
  • Người dùng Instagram đang dành trung bình 28 phút trên nền tảng này hàng ngày

Nguồn: techjury.net

Thậm chí việc chúng ta cần biết họ online vào khung giờ nào nhiều. Mỗi khung giờ họ làm gì khác nhau.. đều rất quan trọng. Nó giúp chúng ta xuất hiện đúng lúc khách hàng cần chúng ta nhất.

Hoặc nói cách khác là chúng ta cần biết giây phút nào khách hàng thực sự có nhu cầu mua hàng liền – ngay và luôn.

Việc này quan trọng, đến mức Google sinh ra một khái niệm mới. Dùng để gọi tên và theo dõi hành vi mua hàng đặc biệt này: micro-moment.

Nguồn: Think with Google.

05. Điều gì ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ?

Khách hàng luôn có một hành trình mua hàng (customer journey map) cực kỳ dài. Bao gồm cả những giai đoạn không tên. Nhưng thông thường họ sẽ trải qua các bước rất cơ bản mà tài liệu nào bạn tìm thấy trên Google cũng nhắc đến.

Có thể kể đến như: nhận thức, tìm hiểu, mua hàng, sử dụng, ủng hộ…

Thường mọi người sẽ tìm hiểu rất nhiều. Thời gian đắn đo và phân tích cũng kéo dài. Tuy nhiên như Thảo có đề cập đến micro-moment ở trên, thì những khoảnh khắc họ quyết định mua hàng lại bị ảnh hưởng từ những điều khác.

Họ quyết định mua hàng nhờ sự giới thiệu từ bạn bè?

Hay họ quyết định mua hàng vì họ thực sự đang cần rất gấp món đồ này?

Hoặc họ quyết định mua hàng vì sự khan hiếm?

Nhìn chung, ngay thời điểm họ xuống tiền, nếu thương hiệu xác định được sự ảnh hưởng của những điều xung quanh đến quyết định của họ.. thì WIN thôi.

hành trình mua hàng
Hành trình mua hàng của khách hàng là một thứ rất phức tạp.

06. Khách hàng đang lo lắng hoặc sợ hãi điều gì?

Để Thảo lấy một ví dụ cho dễ hiểu nhé.

Một học viện đang kinh doanh khoá học marketing, họ sẽ cần phải khai thác được sự lo lắng, sợ hãi của khách hàng ra sao?

Đầu tiên, họ hỏi những khách hàng tiềm năng xung quanh: nỗi sợ lớn nhất khi tự vận hành marketing cho chính doanh nghiệp của mình là gì. Sau đó học viện thu được những phản hồi sau đây:

  • Tốn thời gian vì vừa phải lo việc bán hàng và vừa phải làm marketing
  • Không biết phải bắt đầu từ đâu vì marketing quá nhiều thứ phải học
  • Có tốn chi phí hơn khi đi thuê một agency không?
  • Nếu bây giờ thuê nhân sự thì có cách nào để quản lý được nhân sự đó không?
  • Không có kỹ năng sáng tạo thì sẽ không vận hành được marketing cho phù hợp phải không?
  • ..v..v..

Và rất nhiều những nỗi sợ hãi, lo lắng khác nữa. Từ đấy, học viện này sử dụng nỗi sợ này để phát triển các khoá học phù hợp cho từng “nỗi sợ”. Và cũng từ việc tìm hiểu này, học viện khai thác, làm giàu thêm các thông điệp truyền thông cho mình.

Càng hiểu rõ VẤN ĐỀ mà khách hàng đang gặp phải, chúng ta càng có nhiều CƠ HỘI để đưa ra GIẢI PHÁP. Và dĩ nhiên chẳng khách hàng nào bỏ qua một đối tác hiểu họ hết phải không nào?

persona là gì?
Hơi kinh dị. Nhưng mà.. đúng phải không?

07. Những thương hiệu nào khách hàng của bạn đang yêu thích, quan tâm, theo dõi?

Đây là phần thông tin thường được mọi người xung quanh Thảo (bạn bè, anh em làm trong nghề..) đánh giá là không quan trọng lắm. Và thường bỏ qua.

Tuy nhiên, Thảo thấy khi phân tích được nội dung này, sẽ tạo ra sự thú vị và tính liên kết hay ho khi chúng ta kết nối được.

Tưởng tượng xem, bạn đang làm marketing cho một cửa tiệm bán quần áo dành cho thú cưng. Nhưng song song đó, bạn tìm hiểu được phần lớn nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng của mình cũng rất thích thương hiệu trà sữa Phúc Long? Bạn sẽ làm gì?

Nghiên cứu sở thích của khách hàng. Vì tặng quà cũng là một nghệ thuật và người tặng quà là nghệ sỹ.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tham khảo các thương hiệu khác mà khách hàng yêu thích để có thể cập nhật thêm những dữ liệu về họ. Những dữ liệu và đánh giá này tuy có phần hơi cảm tính, cảm xúc.. nhưng có còn hơn không. Ít ra chúng ta cũng có cố gắng tìm hiểu được sở thích của họ. 😀

08. Khách hàng đang (thực sự) tìm kiếm điều gì?

Có một câu chuyện vui vui Thảo đọc được: Nếu muốn bán một chiếc máy khoan, đừng nói về máy khoan. Hãy nói về cái lỗ trên tường sẽ xuất sắc thế nào khi sử dụng chiếc máy khoan này.

Chúng ta làm marketing cũng như thế.

Thảo tạm gọi “Điều khách hàng đang thực sự cảm thấy và tìm kiếm”insight.

Điều gì đó là sự thật. Điều gì đó họ thừa nhận nó đúng, một cảm giác, một điều họ kiếm tìm trong cuộc sống, trong sản phẩm mà thương hiệu làm ra.

Chúng ta không nói bột nêm của thương hiệu làm ra là ngon nhất, chúng ta mô tả tô canh của người phụ nữ nấu ra sẽ ngon lành thế nào. Đó chính là bí quyết.

Hãy đào sâu và tìm kiếm những mong mỏi thực sự của khách hàng. Nó giống như nguyên lý tảng băng vậy. Những điều khách hàng tìm kiếm là 3 phần trên bề nổi. Còn những thứ thực sự họ cần là 7 phần đang chìm ở phía dưới.

Để làm được việc này, thực sự rất khó.

Thảo sẽ không dùng những biện pháp nói giảm nói tránh. Vì thực sự đây là một thách thức to lớn đối với hầu hết các thương hiệu, marketer, chủ doanh nghiệp.. từ lớn đến bé.

Bạn có sẵn sàng đào sâu và khám phá "insight" của khách hàng?
Bạn có sẵn sàng đào sâu và khám phá “insight” của khách hàng?

Giải pháp ở đây là gì: Hãy tìm kiếm, thử nghiệm, đánh giá, đo lường và tiếp tục tìm kiếm.

Insight khách hàng thực sự là một kho tàng quý giá, mà điều đặc biệt là kho tàng này không cố định theo năm tháng. Có những insight sẽ thay đổi theo thời gian, ngữ cảnh này thì khác, ngữ cảnh khác lại đổi. Có nhiều tác động bên ngoài lẫn bên trong của họ khiến insight luôn luôn saiiiiiiii theo một cách tích cực nào đấy.

09. Thương hiệu làm được gì cho khách hàng?

Một điều buồn cười mà Thảo hay gặp ở những người làm kinh doanh xung quanh mình, đấy là họ luôn cố gắng bán cái mà họ nghĩ khách hàng của họ cần. Còn việc thực sự họ có thiếu và hiểu được điều đấy hay không thì không ai tìm hiểu.

Trong bất kỳ bảng kế hoạch kinh doanh và truyền thông nào, mà Target Audience của họ là “Nhóm đối tượng khách hàng từ 16-55 tuổi” – và đó là tất cả những gì thương hiệu mô tả về chân dung khách hàng tiềm năng của chính mình, thì đều là đồ bỏ đi.

Quay lại phần bài viết bên trên Thảo có viết “Thiếu hiểu biết về khách hàng dễ dẫn đến thiếu hiểu biết về chính sản phẩm của mình” là một nỗi đau thương, khi Thảo tự vận hành một công ty khởi nghiệp của chính mình – và xác định sai điều mà sản phẩm của mình làm được cho họ.

Để làm được việc này, hãy viết ra những lợi ích mà sản phẩm của bạn mang lại thông qua các tính năng và thực sự giải quyết được những nỗi đau mà khách hàng đang có. Những tính năng này có thể chỉ có một mình bạn sở hữu. Hoặc là không.

Thảo là một người làm kinh doanh và là một marketer tỉnh táo. Thảo không tin rằng bạn có thể phục vụ được người dùng một sản phẩm nào đó có tính năng độc đáo, độc nhất và bạn chiếm lĩnh thị trường này một cách độc quyền.

(Dĩ nhiên ngoại trừ những thứ như điện, nước, xăng dầu.. chẳng hạn)

Vì vậy, bạn cần phải thấu cảm với khách hàng nhiều hơn để tạo nên một “cảm giác độc nhất” khác biệt. Thay vì cố gắng tạo ra một “sản phẩm với tính năng độc nhất”.

usp meaning
Trích dẫn từ wordstream.com

Nên nhớ, “your business different” bao gồm cả sản phẩm + dịch vụ.

Nên nếu bạn đang kinh doanh một sản phẩm nào đấy với độ cạnh tranh cao. Đừng lo lắng, hãy hiểu đấy là một điều tốt, vì lúc đó bạn nhìn thấy được thị trường này màu mỡ đủ nhiều để xuất hiện đối thủ cạnh tranh.

Song song đấy, hãy tạo ra những điểm khách biệt trong các R&D (nếu bạn làm sản xuất) và dịch vụ (nếu bạn làm thương mại). Hoặc chẳng cần nhìn xa trông rộng, bạn chỉ cần tạo ra cho mình một website đủ đẹp, một fanpage đủ điểm nhấn, một Instagram profile đủ xinh đẹp.. thế là đã tốt lắm rồi.

Lời kết.

Đừng ngần ngại thử và sai. Vì persona thực sự là một thuật ngữ marketing không dễ để học, hiểu và làm. Bạn có thể thử sử dụng công cụ tạo persona hoàn toàn miễn phí được xây dựng từ nhà Hubspot.

Thảo share link tại đây để mọi người sử dụng nhé: Công cụ tạo Persona của Hubspot.

công cụ tạo persona
Ảnh chụp màn hình công cụ “Make my persona”

Uxpressia cũng là công cụ giúp chúng ta có thể design persona rất tốt. Công cụ có những gợi ý, template và đặc biệt là liên kết trực tiếp với Customer journey map phù hợp nữa.

Giao diện của Uxpressia

Hiện tại Uxpressia cũng đang cung cấp khóa học tại Academy Uxpressia, với nhiều khóa học hay và thú vị.

Ví dụ những khóa học hay từ Uxpressia:

  • Personas fundamentals: Khóa học giúp xây dựng persona với cách đơn giản trong khoảng 7 tiếng học với nhiều hoạt động và bài học tương tác. Giá hiện tại cho khóa học này là $75. Bao gồm luôn một tháng sử dụng tool từ Uxpressia.
  • Customer interview techniques: Khóa học này giúp khám phá 7 kỹ thuật phỏng vấn để có được những thông tin khách hàng có giá trị. Cách đặt câu hỏi, cách đào sâu những cuộc đối thoại làm phong phú thêm bản đồ hành trình khách hàng và persona của họ. Giá hiện tại của khóa học là $50.

Ngoài những kiến thức Thảo share tại bài viết này, mọi người có thể tìm thêm sách để đọc và hiểu hơn về insight, persona, blah blah.

Những kiến thức Thảo đúc kết được để chia sẻ đều từ công việc thực tế làm mà ra. Thảo là người ít đọc nên Thảo cũng không biết chia sẻ sách gì cho mọi người đọc cả. Tuy nhiên gần đây Thảo có đang nghiên cứu Phi Lý Trí của Dan Ariely. Đọc quyển sách này xong, Thảo nắm rõ được tâm lý của con người khi họ được chào giá khi mình bán một món hàng nào đó. Rất thú vị. 😀

Thảo sẽ update thêm về chủ đề này trong những bài viết khác. Xin chào và hẹn gặp lại.

Võ Thái Thảo
Võ Thái Thảohttps://vothaithao.com
Dont be the same. Be better.
Dont be the same. Be better.

Bài viết hay